Trong bối cảnh đất nước đang triển khai hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn, công nghệ phức tạp, nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật có kỹ năng thực tế, đáp ứng ngay yêu cầu công việc trở nên vô cùng cấp thiết. Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, với vai trò chiến lược về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh tại khu vực biên giới phía Bắc, là một minh chứng điển hình cho nhu cầu này.
Thi công dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại gói thầu Km8+500-Km16+000 (xã Bắc Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn)
Nắm bắt xu thế đó, CCT1 và Tập đoàn Đèo Cả - một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông tại Việt Nam - đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược, tập trung vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Giao thông vận tải. Trọng tâm của sự hợp tác này là triển khai mô hình đào tạo gắn liền với thực tiễn sản xuất, đưa sinh viên và giảng viên trực tiếp tham gia vào quá trình thi công tại các công trường lớn.
Hiện tại, Nhà trường đã cử 28 HSSV và 5 giảng viên trực tiếp đến thực tập và làm việc tại công trường Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và các dự án khác của Tập đoàn Đèo Cả cùng đối tác. Con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 60 HSSV và 10 giảng viên trong hai tháng tới. Tham gia mô hình này, HSSV không chỉ được thực tập mà còn trực tiếp tham gia vào các khâu sản xuất, vận hành máy móc, thiết bị thi công hiện đại.
Thầy và trò CCT1 tại Công trường dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Về phía Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị đã thể hiện sự đầu tư nghiêm túc vào nguồn nhân lực tương lai khi chi trả toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại cho HSSV và giảng viên. Đặc biệt, những HSSV thực tập tốt, có sản phẩm chất lượng còn được Tập đoàn hỗ trợ thêm kinh phí theo tháng, tạo động lực học tập và rèn luyện.
Không chỉ HSSV, đội ngũ giảng viên của Nhà trường cũng được tạo điều kiện tham gia sâu vào hoạt động thực tế tại doanh nghiệp. Ngoài việc hướng dẫn sinh viên, các giảng viên CCT1 còn tham gia vào các hoạt động chuyên môn khác do Tập đoàn tổ chức, qua đó không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức và kỹ năng thực tiễn.
Thầy giáo Hồ Xuân Hùng - giảng viên CCT1 hướng dẫn an toàn lao động cho HSSV nhà trường và công nhân các đơn vị đối tác.
Sự hiệu quả của mô hình hợp tác này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo ngành. Ngày 21/4/2025, trong chuyến kiểm tra thực địa Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã đánh giá cao mô hình liên kết đào tạo "thực chiến" giữa CCT1 và Tập đoàn Đèo Cả. Bộ trưởng nhấn mạnh hiệu quả thực tế của việc đưa HSSV các trường cao đẳng (kỹ sư thực hành) đến công trường, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các trường để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, nâng cao năng lực. Ông cũng chỉ đạo nghiên cứu, nhân rộng mô hình hiệu quả này ra các dự án, địa phương khác.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh kiểm tra thực địa tại khu vực xây dựng cầu vượt sông Bằng Giang (cầu km79+250) thuộc địa bàn xã Tiên Thành (Quảng Hòa)
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh tặng quà sinh viên Trường cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I đang tăng cường tại các mũi thi công trên toàn tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp tiến độ dự án
Tham gia cùng đoàn công tác của Bộ Xây dựng, Hiệu trưởng Nhà trường - ThS. Dương Thế Anh đã trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình thực tập của HSSV và làm việc của giảng viên Nhà trường tại công trường. Hiệu trưởng Dương Thế Anh chia sẻ: "Tham gia chuyến khảo sát này cho phép Nhà trường đánh giá trực tiếp môi trường học tập thực tế quý báu dành cho sinh viên và giảng viên. Nhà trường cam kết sẽ tiếp tục củng cố và phát triển mô hình 'học đi đôi với hành' này thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Đèo Cả, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tiễn của các dự án trọng điểm quốc gia."
Hiệu trưởng Dương Thế Anh tham gia khảo sát tại Công trường và dự họp tiến độ dự án
Thực tế đã chứng minh mô hình hợp tác CCT1 - Đèo Cả mang lại lợi ích thiết thực và toàn diện là:
- Với HSSV: Được tiếp cận công nghệ mới nhất, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp vững vàng trong môi trường thực tế, có thêm thu nhập, tăng cơ hội việc làm ngay sau tốt nghiệp tại các dự án lớn.
- Với Nhà trường: Nâng cao rõ rệt chất lượng đào tạo, chương trình học được cập nhật sát với thực tiễn sản xuất, năng lực đội ngũ giảng viên được bồi đắp, vị thế và uy tín trong mạng lưới hợp tác doanh nghiệp được nâng cao. Nhà trường cũng nhận được sự hỗ trợ về vật chất, trang thiết bị từ Tập đoàn.
- Với Tập đoàn Đèo Cả: Chủ động được nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực tế, giảm đáng kể chi phí và thời gian đào tạo lại sau tuyển dụng, đồng thời có đối tác đào tạo chiến lược, tin cậy.
- Với xã hội: Góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và phát triển hạ tầng đất nước, đặc biệt là các dự án giao thông huyết mạch và các dự án chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc Nam trong tương lai.
Xác định đây là hướng đi chiến lược, CCT1 và Tập đoàn Đèo Cả cam kết tiếp tục duy trì, củng cố và mở rộng hợp tác. Nhà trường đặt mục tiêu dài hạn sẽ cung cấp khoảng 150 - 200 HSSV mỗi năm đến thực tập và tham gia sản xuất tại các công trường của Tập đoàn và đối tác.
Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Cầu Km79+250 (thuộc gói thầu EC02) bắc qua sông Bằng - nơi HSSV CCT1 đang thực tập
Sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà trường và Doanh nghiệp như mô hình CCT1 - Đèo Cả là minh chứng sống động cho chủ trương đúng đắn về đổi mới giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
(Truyền thông CCT1)