Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với điểm nhấn về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt phát triển hạ tầng về đường sắt tốc độ cao, với 09 Dự án đang và sẽ được triển khai trước năm 2030. Nhân lực phục vụ ngành đường sắt từ thiết kế, thi công đến khai thác, vận hành hệ thống rất thiếu và dự báo nhu cầu nhân lực riêng cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc- Nam là khoảng 20.000 người.
Là Trường trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I (CCT1) nhận sứ mệnh và trọng trách đào tạo cung cấp nhân lực cho sự phát triển của ngành đường sắt, đặc biệt đường sắt tốc độ cao.
Tiếp nối thành công của chuyến làm việc giữa Nhà trường, Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả với Trường Cao đẳng đường sắt Quảng Châu tại Trung Quốc, ngày 01/7/2025, tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương I (CCT1) đã tổ chức Hội nghị quan trọng với Tập đoàn Đèo Cả và Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu (Trung Quốc). Sự kiện đã chính thức triển khai các chương trình hợp tác chiến lược ba bên trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành đường sắt, đặc biệt là chuẩn bị cho các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Chủ trì hội nghị: thầy Dương Thế Anh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; Đoàn Trường Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu do ông Vương Siêu – Phó Bí thư Đảng ủy dẫn đầu; và Ông Nguyễn Quang Huy – Tổng Giám đốc đại diện Tập đoàn Đèo Cả.
Toàn cảnh hội nghị
Phát biểu khai mạc hội thảo, thầy Dương Thế Anh nhấn mạnh: "Với lịch sử 57 năm xây dựng và phát triển, CCT1 luôn xác định sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành GTVT. Trước nhu cầu cấp thiết của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, việc hợp tác với các đối tác hàng đầu như Tập đoàn Đèo Cả và Trường CĐ nghề Đường sắt Quảng Châu là một bước đi chiến lược, mang tính đột phá".
Thầy Dương Thế Anh - Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng phát biểu tại Hội nghị
Tập đoàn Đèo Cả, với vai trò là một trong những tập đoàn hàng đầu Cao đẳng nghề Đường sắt Quảng Châu – một trong những cơ sở đào tạo uy tín và hiện đại nhất Trung Quốc về lĩnh vực đường sắt. Mối quan hệ hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình đào tạo tiên tiến, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết, kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu thực tiễn tại các công trường, dự án lớn.
Tại hội thảo, các bên đã thống nhất một lộ trình hợp tác toàn diện, được chia thành 3 giai đoạn cụ thể và rõ ràng:
- Giai đoạn 1 (Triển khai ngay trong năm 2025): Tập trung vào các chương trình đào tạo ngắn hạn. Trường CĐ nghề Đường sắt Quảng Châu sẽ chuyển giao chương trình, hai bên phối hợp giảng dạy để đào tạo và cấp chứng chỉ cho nguồn nhân lực hiện có của Tập đoàn Đèo Cả và các đối tác. Theo kế hoạch, những khóa học đầu tiên dự kiến sẽ được khai giảng ngay trong tháng 8 và tháng 9 năm 2025.
- Giai đoạn 2 (Phát triển chiều sâu): CCT1 sẽ mở các mã ngành đào tạo mới liên quan trực tiếp đến đường sắt và đường sắt tốc độ cao. Phía đối tác Trung Quốc sẽ chuyển giao toàn diện chương trình, tài liệu, hỗ trợ trang thiết bị và đào tạo đội ngũ giảng viên của CCT1 tại cả Việt Nam và Trung Quốc.
- Giai đoạn 3 (Nâng tầm quốc tế): Hướng tới mục tiêu hợp tác đào tạo cấp văn bằng quốc tế. Mô hình liên kết sẽ cho phép sinh viên học tập chuyển tiếp giữa hai trường, tạo ra nguồn nhân lực không chỉ phục vụ Tập đoàn Đèo Cả mà còn đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội, gắn liền với Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành đường sắt của Chính phủ.
Đại diện đoàn chuyên gia Trung Quốc, ông Vương Siêu, Phó Bí thư Đảng ủy Trường CĐ nghề Đường sắt Quảng Châu, chia sẻ: "Trường chúng tôi là đơn vị đào tạo hàng đầu về đường sắt tại miền Nam Trung Quốc, đã đóng góp nhân lực cho hàng chục nghìn km đường sắt cao tốc. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn tại Việt Nam và rất vinh dự được chung tay, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ để góp phần vào sự phát triển của các bạn".
Ông Vương Siêu, Phó Bí thư Đảng ủy Trường CĐ nghề Đường sắt Quảng Châu phát biểu tại Hội nghị
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định quyết tâm: "Chúng tôi đã có những trao đổi rất kỹ lưỡng và thống nhất cao. Đèo Cả cam kết đồng hành cùng hai nhà trường, không chỉ kết nối mà còn là đơn vị 'đặt hàng' và sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo, đảm bảo đầu ra cho sinh viên và hiệu quả thực tiễn cho chương trình."
Ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại Hội nghị
Hội thảo khép lại trong không khí tin cậy và với một cam kết chung mạnh mẽ từ cả ba bên. Tinh thần "nói đi đôi với làm" đã trở thành nguyên tắc hành động chung, được các nhà lãnh đạo đồng thuận là nền tảng cho sự thành công bền vững. Điều này không chỉ được khẳng định qua các thỏa thuận chiến lược mà còn được thể hiện qua những món quà mang đậm bản sắc văn hóa, tượng trưng cho sự tin cậy và quyết tâm hợp tác lâu dài.
Trao quà và chụp ảnh lưu niệm giữa các bên
Sự kiện đánh dấu một khởi đầu vững chắc, mở ra một chặng đường hợp tác hiệu quả, hứa hẹn đóng góp thiết thực vào việc hiện thực hóa giấc mơ về một mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện đại, an toàn và phát triển trong tương lai không xa.
---------------------------------
(Truyền thông CCT1)